Sở hữu một vòng eo thon gọn đã trở thành tiêu chuẩn hình thể của nhiều người, dù là nam hay nữ. Bên cạnh chế độ ăn uống dinh dưỡng khoa học thì bạn cần kết hợp rèn luyện thể thao. Các bài tập yoga giảm mỡ bụng sẽ là giải pháp giúp bạn đạt được mục tiêu vòng eo “con kiến”. Cùng Ocany tìm hiểu cách yoga “đánh tan” mỡ bụng và những bài tập yoga dành cho người mới.
Lý giải tại sao tập yoga giúp giảm mỡ bụng?
Lối sống bận rộn, thói quen ăn uống không lành mạnh, lười vận động và mức độ căng thẳng luôn ở mức cao là những nguyên nhân chính khiến vòng eo ngày càng tăng. Vì vậy bạn cần một chế độ ăn uống cân bằng, thói quen lành mạnh, giải trí và tập thể dục thường xuyên để kiểm soát và giảm mỡ bụng. Hãy cố gắng cân bằng bốn khía cạnh cơ bản này để có một sức khỏe và vóc dáng mơ ước.
Nhiều người nghĩ rằng muốn giảm mỡ nên đến phòng gym hoặc “hì hục” với những bài cardio cường độ cao, thay vì tập yoga. Điều đó hoàn toàn sai lầm. Yoga là giải pháp toàn diện để chăm sóc cơ thể và tâm trí của bạn. Hai lý do chính mà bạn nên tập yoga giảm mỡ bụng, đó là:
Tập yoga giúp làm giảm hormone căng thẳng
Nghiên cứu chỉ ra rằng mỡ bụng có thể hình thành do căng thẳng quá mức. Một nghiên cứu của Yale cho thấy những phụ nữ bị căng thẳng mãn tính bị tăng cortisol dẫn đến lượng mỡ nội tạng (mỡ xung quanh các cơ quan nội tạng) cao hơn. Điều này không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn là nguy cơ gây nên các bệnh mãn tính nguy hiểm.
Yoga từ lâu đã nổi tiếng với tác dụng giải quyết các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Nó được xem là biện pháp giúp quản lý căng thẳng, thư giãn tâm trí bằng cách quay về bên trong để tìm lại sự bình yên, rút khỏi những phiền nhiễu từ thế giới xung quanh.
Đồng thời bạn sẽ học được những cách chăm sóc bản thân, thay đổi lối sống cách ăn uống lựa chọn thực phẩm. Nhờ đó mà mức cortisol giảm xuống, người tập yoga sẽ có tinh thần thoải mái hơn, ngủ ngon hơn từ đó giúp việc giảm cân hiệu quả hơn.
>>>Xem thêm:
- Yoga là gì? Những thông tin nên biết trước khi bắt đầu tập
- Tập yoga có tác dụng gì? 17 lợi ích với sức khỏe và tinh thần
- 24+ bài tập yoga giảm đau lưng đơn giản hiệu quả tại nhà
Tập yoga giúp đốt cháy calo dư thừa hiệu quả
Yoga giảm mỡ bụng là sự kết hợp của nhiều yếu tố như các bài tập thể lực, rèn luyện cơ bắp, điều hòa hơi thở. Với nhiều phong cách và loại hình yoga khác nhau, bạn có thể dễ dàng đốt cháy từ 240 calo đến 356 calo cho mỗi giờ tập. Đặc biệt với những loại hình mạnh mẽ hơn như Power Yoga thì khả năng đốt cháy calo còn nhiều hơn thế. Các động tác kéo căng, co giãn vùng bụng là cách để kích hoạt cơ bụng hoạt động, đánh tan những khối mỡ dưới da, giúp giảm mỡ vùng eo hiệu quả hơn.
Điểm qua 20 bài tập yoga giảm mỡ bụng siêu nhanh cho người mới
Để đốt mỡ vùng eo, bạn cần lựa chọn các bài tập yoga giảm mỡ bụng có sự tác động trực tiếp để bụng, eo và hông để kích hoạt cơ chế đốt mỡ thừa, giúp bụng săn chắc và cơ thể dẻo dai hơn.
Dưới đây là tổng hợp những động tác yoga giảm mỡ bụng cho người mới tập. Nếu bạn không có giáo viên hướng dẫn hãy tìm hiểu kỹ về kỹ thuật thực hiện động tác, trải nghiệm và lắng nghe cơ thể. Không cố gắng làm những động tác quá sức sẽ dễ gặp những tình huống nguy hiểm
Tư thế nằm xả hơi
Tư thế này giúp cải thiện các vấn đề về dạ dày, bao gồm chứng khó tiêu và táo bón. Vì đầu gối tạo áp lực lên bụng nên khi giữ tư thế này trong hơn một phút sẽ có thể kích hoạt quá trình đốt cháy chất béo trong vùng eo.
Cách thực hiện:
- Nằm ngửa với hai cánh tay ở hai bên, hai bàn chân duỗi thẳng và hai gót chân chạm vào nhau.
- Hít một hơi thật sâu và khi bạn thở ra, đưa đầu gối về phía ngực và vòng tay ôm quanh đầu gối.
- Hít vào một lần nữa và trong khi bạn thở ra, hãy ngẩng đầu lên để cằm chạm vào đầu gối. Giữ tư thế này trong 60-90 giây trong khi liên tục hít thở. Thở ra và từ từ về vị trí ban đầu.
- Lặp lại asana này ít nhất 7-10 lần, trong khi nghỉ 15 giây.
Thận trọng: Không thử động tác này nếu bạn đang mang thai, có vấn đề về cột sống, huyết áp và tim.
>>>Xem thêm:
- 13 Bài tập giảm mỡ bụng trước khi ngủ cực hiệu quả
- Ăn gì để giảm mỡ bụng? 26 loại thực phẩm siêu giảm mỡ
- Chạy bộ có giảm mỡ bụng không? Cách chạy bộ giảm mỡ bụng
Tư thế rắn hổ mang
Bạn sẽ cảm thấy cơ bụng được căng tối đa khi thực hiện tư thế yoga này. Không chỉ vậy, thực hiện tư thế này thường xuyên còn giúp tăng cường sức mạnh cho cơ lưng.
Cách thực hiện:
- Nằm trên thảm ở tư thế nằm sấp (ngực úp xuống), hai chân hơi dang ra và các ngón chân chạm sàn.
- Đặt hai tay dọc theo cơ thể, lòng bàn tay úp xuống. Sau đó di chuyển lòng bàn tay đặt dưới vai..
- Hít sâu, từ từ nâng ngực và đầu lên khỏi sàn, mắt nhìn thẳng lên trần nhà. Hóp bụng, đồng thời siết chặt mông. .
- Giữ nguyên tư thế trong 15 đến 30 giây với hơi thở bình thường. .
- Hít một hơi thật sâu và cố gắng nâng cơ thể từ thắt lưng trở lên, uốn cong về phía sau càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng bạn không làm đau lưng trong quá trình này.
- Giữ tư thế tốt nhất trong 60 giây.
- Thở ra và từ từ hạ người xuống – ngực, cổ và trán – để trở về tư thế nằm sấp
- Lặp lại 10 lần và thư giãn kết thúc bài tập.
Tư thế Plank
Đây là một trong những tư thế yoga giảm mỡ bụng siêu kinh điển. Không chỉ vậy nó còn tốt cho việc giảm cân, giảm lượng mỡ tổng thể vì nó tác động sâu vào những bộ phần cốt lõi. Ngoài việc làm săn chắc cơ bụng, tư thế này cũng sẽ tăng cường sức mạnh cho cánh tay, lưng, vai, đùi và mông.
Cách thực hiện:
- Nằm sấp và chống 2 khuỷu tay vuông góc dưới vai như ảnh.
- Nhón 2 mũi chân chống thảm và nâng người lên tạo thành một đường thẳng. Bằng cách giữ cho lưng, lông và đầu thẳng hàng.
- Giữ tư thế này ít nhất 30 giây, cố gắng siết chặt cơ bụng trong quá trình tập.
- Không nín thở khi tập hãy hít thở đều để tránh thiếu oxy.
Tư thế con lạc đà
Sự kéo căng về phía sau trong tư thế này giúp làm săn chắc cơ bụng, thúc đẩy tiêu hóa. Động tác ngửa cổ về phía sau giúp thư giãn vùng vai gáy, giảm đau cổ vai gáy. Những người thường xuyên ngồi nhiều rất phù hợp với bài tập này. cách làm.
Cách thực hiện:
- Bắt đầu với tư thế quỳ thẳng gối, mu bàn chân chạm sàn.
- Hít một hơi, thở ra và cong lưng về phía sau
- Đưa hai tay ra sau người và cố gắng giữ gót chân hoặc cổ chân của bạn.
- Đồng thời ngửa đầu và vươn người về phía sau cho đến khi cảm thấy sự căng giãn ở bụng.
- Giữ nguyên tư thế trong 20 đến 30 giây, hít thở đều.
- Thở ra và từ từ vươn người về phía trước trở về tư thế ban đầu.
Tư thế trái núi
Tư thế này sẽ giúp kéo căng toàn bộ cơ thể, tương tự như động tác vươn vai mỗi sáng nó giúp tinh thần thoải mái hơn. Tác dụng của tư thế này là giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất, đốt cháy calo hiệu quả giúp đánh tan vùng mỡ dư thừa dưới da. Không chỉ vậy động tác này còn góp phần cải thiện tình trạng gù lưng, điều chỉnh dáng đứng và phòng ngừa vẹo cột sống.
Trong các buổi tập Yoga, tư thế trái núi còn được xem là bài tập khởi động để cơ thể bạn sẵn sàng cho các tư thế khác.
Cách thực hiện:
- Đứng thẳng, 2 bàn chân song song đặt cạnh nhau, 2 tay xuôi theo cơ thể
- Hít sâu, nâng 2 tay thẳng qua đầu và 2 lòng bàn tay chạm nhau
- Nâng gót chân và dồn lực vào các ngón chân để giữ thăng bằng
- Ưỡn ngực về phía trước để uốn cong người về sau, nâng mặt lên
- Giữ tư thế trong 30 giây đến 1 phút rồi trở về ban đầu.
Tư thế trẻ em
Tư thế em bé có tác dụng giải tỏa căng thẳng, thư giãn phần ngực, lưng và vai. Các chuyên gia khuyên rằng nếu bạn có lịch làm việc bận rộn, hãy dành 2-3 phút mỗi ngày để thức hiện tư thế này. Nó sẽ giúp bạn thư giãn và lấy lại sự bình tĩnh. Trong các lớp học Yoga, tư thế em bé được sử dụng như một tư thế nghỉ giữa các động tác khác.
Cách thực hiện:
- Ngồi trên gót chân, mở rộng đầu gối và hông sao cho ngồi thoải mái. Hít thở đều.
- Gập người về trước, áp 2 tay xuống thảm đồng thời hạ trán chạm thảm,
- Giữ 2 cánh tay thẳng qua đầu, thẳng hàng với đầu gối,, thả lỏng 2 vai.
- Cảm nhận sự thư giãn và giữ tư thế trong 3 giây.
>>>Xem thêm:
- 20 Bài tập giảm mỡ bụng đơn giản, hiệu quả tại nhà
- Hướng dẫn gập bụng đúng cách giúp lên cơ bụng nhanh
- Yoga Flow là gì? Lợi ích của Yoga Flow đối với sức khỏe
Tư thế cánh cung
Ở một cấp độ cao hơn, đây là một tư thế yoga đầy thử thách nhưng tác dụng giảm mỡ bụng của nó vô cùng tuyệt vời. Thực hiện tư thế cánh cung đòi hỏi rất nhiều sự tập trung và có thể khó đối với người mới bắt đầu, vì vậy hãy đảm bảo mình đã vượt qua những động tác cơ bản trước khi thử tập nó.
Cách thực hiện:
- Nằm úp mặt xuống sàn, 2 chân duỗi thẳng và lòng bàn tay hướng xuống.
- Hít vào dùng 2 tay nắm giữ bàn chân của bạn (tốt nhất là phần lưng bàn chân).
- Từ từ nâng tay và chân lên đồng thời nâng đùi và ngực lên. Gồng chắc cơ bụng để giúp kéo phần thân trên lên cao.
- Cố gắng giữ tư thế này trong ít nhất 30 giây, hít thở đều.
Tư thế con mèo
Tư thế này có khả năng tác động sâu vào cơ bụng, giúp đánh tan mỡ bụng. Ngoài ra cột sống của bạn sẽ trở nên khỏe mạnh và linh hoạt hơn sau một thời gian kiên trì thực hiện bài tập này.
Cách thực hiện:
- Chống 2 tay và 2 gối xuống sàn, giữ đầu và lưng thẳng. Mu bàn chân chạm thảm.
- Hai tay mở rộng bằng vai, 2 đầu gối mở rộng bằng hông.
- Hít vào ngẩng đầu lên hướng trần nhà, đồng thời đẩy bụng xuống sao cho phần xương sống tạo thành hình lõm. Duy trì tư thế 10 giây.
- Thở ra, hạ đầu đưa cầm hướng về ngực, nâng bụng và cong cột sống lên hướng trần nhà.
- Siết chặt mông và bụng đến khi có cảm giác các cơ co thắt. Giữ tư thế trong 15 giây.
- Lặp lại 10 lần cho người mới.
Tư thế em bé hạnh phúc
Tư thế này khá đơn giản, phù hợp với những người mới làm quen với bộ môn yoga. Bằng cách tạo áp lực từ 2 đùi, tư thế em bé hạnh phúc giúp giảm kích cỡ vòng 2 hiệu quả. Tuy nhiên để thực hiện động tác vẫn cần một chút sự khéo léo dẻo dai.
Cách thực hiện:
- Nằm ngửa trên thảm. Hít vào một hơi và co 2 đầu gối về phía ngực.
- Dùng 2 tay giữ mép ngoài của 2 bàn chân và kéo gót chân hướng lên trần nhà. Khoảng cách giữa 2 đầu gối rộng hơn thân.
- Tiếp tục nâng chúng lên phía vai, đồng thời duỗi thẳng 2 tay.
- Giữ mắt cá chân thẳng hàng với đầu gối, cẳng chân tạo thành góc vuông với sàn.
- Giữ tư thế trong 30 giây sau đó hạ xuống về tư thế xác chết.
Tư thế cái ghế
Động tác này kích hoạt các nhóm cơ, thúc đẩy cơ thể đốt cháy calo hiệu quả. Để giữ thẳng bằng, động tác này gây áp lực lên cơ bụng, giúp săn chắc vùng eo. Đồng thời tập trung kéo giãn các bộ phận như nách, vai, mông.
Cách thực hiện:
- Đứng thẳng, 2 chân song song cách nhau một khoảng 10cm.
- Gập đầu gối để đùi song song với sàn, đẩy hông ra sau tương tự như hình ảnh đang ngồi ghế.
- Nâng thẳng tay qua đầu, 2 lòng bàn tay hướng vào trong, kéo dài cột sống.
- Giữ trong 5 đến 10 nhịp thở.
Tư thế cái cây
Các bài tập yoga như tư thế cái cây giúp bạn rèn luyện khả năng giữ thăng bằng rất tốt. Không chỉ vậy qua đó bạn còn cải thiện sự tập trung, biết cách kiểm soát cơ thể.
Cách thực hiện:
- Đứng thẳng, thả lỏng cánh tay xuôi theo thân.
- Dồn trọng tâm vào chân trái, co gối đặt bàn chân phải lên đùi trái. Chân trái vẫn giữ thẳng.
- Hít vào nâng 2 tay lên trên đầu, 2 lòng bàn tay chạm vào nhau. Rồi hạ xuống chắp tay trước ngực.
- Nhìn thẳng vào một điểm ở trước mặt và cố định tư thế. Chú ý giữ lưng thẳng.
- Hít thở sâu, hạ chân và 2 tay xuống để quay trở về tư thế ban đầu.
Tư thế chiến binh 1
Tư thế chiến binh 1 là động tác hoàn hảo mang lại sự thư giãn cho cơ thể. Duỗi thẳng 2 tay trong tư thế này giúp rèn luyện sự tập trung thông qua hướng nhìn theo tay.
Cách thực hiện:
- Đứng thẳng, 2 chân mở rộng bằng vai. Với chân phải ở trước mũi chân hướng thẳng, chân trái ở sau mũi chân hơi nghiêng 15 độ.
- Gập đầu gối phải sao cho đầu gối tạo thành góc vuông với đùi, thẳng hàng mắt cá chân.
- Nâng cánh tay lên cao qua đầu, chắp lại hướng lên trần nhà. Mở ngực, kéo giãn cột sống.
- Đẩy nhẹ xương chậu và hông của bạn xuống.
- Giữ nguyên tư thế. Hít thở bình thường, mắt nhìn vào 1 điểm
Tư thế chiến binh 2
Bên cạnh chiến binh 1 thì tư thế chiến binh 2 cũng có mặt trong danh sách này. Bằng cách tập trung kéo giãn cơ ngực, cánh tay. Đồng thời phần đầu gối, khớp háng cũng hoạt động, kích hoạt quá trình đốt calo phần thân dưới hiệu quả.
Cách thực hiện:
- Đứng thẳng, 2 chân cách nhau một khoảng rộng 100 cm.
- Xoay bàn chân phải ra ngoài 90 độ, bàn chân xoay vào trong 15 độ. Gót chân phải bàn chân trái thẳng hàng.
- Nâng 2 cánh tay sang một bên sao cho ở ngang vai, song song mặt đất với lòng bàn tay hướng xuống. Lòng bàn tay úp xuống, 2 cánh tay song song với mặt đất
- Gập đầu gối vuông góc .
- Nhẹ nhàng quay đầu, nhìn theo hướng tay phải
- Giữ nguyên tư thế như một chiến binh và thở đều.
Tư thế chống đẩy
Động tác này đã quá quen thuộc với những người thường xuyên luyện tập thể thao. Bạn có thể thực hiện ở mọi nơi bởi dễ dàng, nó có tác dụng làm săn chắc tay, vai, rèn luyện cơ bụng.
Cách thực hiện:
- Chống 2 tay và 2 mũi chân xuống thảm.
- Giữ đầu thẳng với thân người, mặt hướng về phía trước
- Hít vào co 2 tay chống xuống sàn tạo thành 1 góc 90 độ để hạ thấp người xuống.
- Chú ý siết chặt cơ bụng, mông không để cong lưng.
- Hai chân khép và duỗi thẳng về phía sau.
Tư thế chống đẩy ngược
Đây cũng là bài tập giúp thư giãn toàn thân, một cách để kéo căng toàn thân hiệu quả từ phần cổ, ngực đến chân.
Cách thực hiện:
- Nằm ngửa và áp hai lòng bàn tay xuống sàn. Duỗi thẳng các ngón tay ra hướng phía sau.
- Dùng lực đẩy xuống ấn hai lòng bàn tay và gót chân xuống sàn.
- Từ từ nâng người lên, thư giãn cổ và nhẹ nhàng ngửa đầu ra phía sau.
Tư thế cây cầu
Động tác này được đánh giá là có kỹ thuật nâng cao hơn một chút. Vì vậy bạn cần một người hướng dẫn để hỗ trợ. Bởi động tác có phần có độ uốn cong người, cong cột sống nên bạn cần thực hiện cẩn thận. Nhất là người bị đau lưng, đau cổ vai gáy nặng.
Cách thực hiện:
- Nằm ngửa trên sàn, đặt úp hai bàn tay sát bên hông. Co hai đầu gối với 2 chân dang rộng bằng vai, khoảng cách của gót chân cách mông khoảng 10cm.
- Từ từ nâng phần hông đến khi tạo thành một đường thẳng đầu gối – hông- vai.
- Giữ cho tư thế này 8 – 10 nhịp thở sâu. .
Tư thế Plank một bên
Tư thế Plank một bên tác động sâu vào vòng 2 và hông của bạn. So với plank cơ bản thì nó đòi hỏi kỹ thuật cao hơn vì bạn cần sự tập trung để giữ thăng bằng.
Cách thực hiện:
- Nằm nghiêng sang phải, chân duỗi thẳng.
- Tay phải đặt chống xuống tạo thành một góc vuông với vai. Tay trái thả lỏng, chạm thảm để giữ thăng bằng.
- Tay phải và chân phải làm trụ, nâng hông lên cao một khoảng vừa phải. Lưng và hông tạo thành một đường thẳng là đúng yêu cầu. .
- Giữ nguyên tư thế, siết bụng, tay trái giơ qua đầu và giữ 30s.
Tư thế cúi gập người khi đứng
Động tác này cũng cần thời gian tập luyện bởi không phải ai cũng cũng có độ dẻo dai của lưng ngay từ đầu.
Cách thực hiện:
- Đứng thẳng với 2 chân khép, 2 tay thả lỏng xuống. Hít vào.
- Thở ra, gập người về phía trước. Bạn cần cân bằng trọng lượng cơ thể bằng cách chuyển động nhẹ nhàng phần hông, lưng.
- Hai tay chạm sàn, bên cạnh chân. Bàn chân hướng về phía trước.
- Nếu có thể hãy ep ngực vào chân, cảm nhận sự căng từ hông.
- Nhắm mắt, giữ tư thế từ 15-30s.
Tư thế ngồi gập người
Tương tự như động tác trên, thay vì đứng thì bạn sẽ ngồi để cúi gập người. Động tác này có khả năng kích thích hệ tiêu hóa. Ngoài ra cũng khiến cho cơ bụng, gân kheo, hông, đùi phải hoạt động đốt mỡ nhiều hơn.
Cách thực hiện:
- Ngồi thẳng lưng với 2 chân duỗi thẳng về trước. Mũi chân hướng lên trần nhà, áp sát nhau.
- Hít vào, duỗi hai tay lên trần nhà. Mắt nhìn theo tay và kéo căng cột sống tối đa.
- Thở ra, cúi người về phía trước, tay chạm ngón chân. Đặt đầu trên đầu gối. Nếu mới tập, bạn có thể chạm tay vào mắt cá chân, đùi hoặc cẳng chân là đạt yêu cầu.
- Cảm nhận cơ đùi sau căng ra. Thở đều, giữ nguyên tư thế trong 60 đến 90s.
Tư thế chó úp mặt (tư thế chữ V lộn ngược)
Động tác này rất quen thuộc với yogi, nó được đề xuất trong danh sách bài tập yoga giảm mỡ bụng cho người mới tập. Công dụng chính của tư thế này là kích thích tiêu hoá, giảm sự lo âu, rèn luyện vòng eo săn chắc, thon gọn hơn.
Cách thực hiện:
- Vào tư thế con mèo, chống 2 tay và 2 gối xuống sàn.
- Hít vào, nâng hông lên sao cho chân thẳng và cơ thể tạo thành chữ V ngược
- Giữ 2 tay mở rộng bằng vai, 2 chân rộng bằng hông. Gót chân chạm sàn nếu có thể.
- Ấn mạnh 2 tay xuống sàn, đẩy vai vào trong và kéo dài cổ bạn.
- Giữ tư thế vài giây, sau đó gập đầu gối về tư thế cái bàn
Chuỗi tư thế chào mặt trời
Bài tập yoga chào mặt trời là một tổ hợp động tác làm nóng toàn bộ cơ thể, từ cơ, xương, khớp đến các dây chằng. Không chỉ vậy bài tập còn giúp kích thích hệ tuần hoàn, hô hấp hoạt động tốt hơn. Từ đó cơ thể trở nên linh hoạt, dẻo dai, hạn chế những chấn thương trong quá trình tập luyện hay vận động mạnh.
Cách thực hiện:
- Đứng thẳng người, 2 bàn chân khép lại, 2 tay chắp ở ngay trước ngực. Hít thở sâu 1 nhịp, tống toàn bộ hơi trong bụng ra ngoài.
- Hít vào, đưa 2 tay lên cao qua đầu, đẩy hông về trước và ngả người về sau.
- Thở ra, gập người về trước, tay chạm đất. Cố gắng gập người sát chân, giữ cho đầu gối thẳng. Cảm nhận sự căng giãn của các nhóm cơ từ đùi đến chân.
- Bước chân phải về sâu một khoảng xa nhất có thể. Hạ đầu gối chân phải hạ xuống thảm. Hít vào, ngửa cổ lên. Cảm nhận được sự giãn cơ của khớp háng.
- Đưa chân trái ra sau song song chân phải, nâng người lên bằng cách chống thẳng 2 tay. Tạo thành tư thế tấm ván.
- Thở ra, về tư thế 8 điểm chạm sàn với đầu gối, ngực và trán xuống sàn, hông ở trên cao.
- Hít vào, hạ hông xuống thảm, chân duỗi thẳng mu bàn chân hướng xuống. Đồng thời trườn phần thân trên và đầu lên cao, chống 2 tay xuống sàn, cổ ngửa lên vào tư thế rắn hổ mang.
- Thở ra, co gối đẩy hông lên cao vào tư thế chó úp mặt.
- Hít sâu, đưa chân phải về trước giữa 2 tay. Hạ đầu gối trái, ngửa cổ. Cảm nhận sự căng giãn ở cơ háng.
- Thở ra, bước chân trái lên cạnh chân phải. Cúi người gập sát chân.
- Hít vào vươn người và ngả ra sau như bước 2 trong bài.
- Thở ra chắp 2 tay lại ở trước ngực và kết thúc động tác.
Lưu ý để tập yoga giảm mỡ bụng hiệu quả
Tập yoga giảm mỡ bụng là điều hoàn toàn có thể nếu các chị em kiên trì và thực hiện đều đặn. Không chỉ giúp đánh tan mỡ thừa, yoga còn là liệu pháp để chữa lành những tổn thương bên trong, cân bằng tâm trí. Kỹ thuật thở sâu còn giúp bạn cải thiện sự tập trung và giữ bình tĩnh tốt hơn. Một vài lời khuyên về lưu ý để đạt hiệu quả cao nhất khi theo đuổi chuỗi bài tập yoga giảm mỡ bụng.
- Không bỏ qua phần khởi động, càng khởi động kỹ càng dễ vào động tác và giảm chấn thương.
- Chuẩn bị dụng cụ hỗ trợ với 1 tấm thảm yoga sẽ giúp bạn giảm ma sát và vệ sinh hơn khi tập.
- Mặc trang phục thoải mái, chất liệu tốt vì yoga có nhiều động tác kéo giãn.
- Ăn nhẹ trước khi tập để đảm bảo đủ năng lượng, không bị mất sức.
- Hít thở đều không nín thở khi tập yoga giảm mỡ bụng.
- Tập trung vào từng động tác, cảm nhận sự căng của cơ bắp.
Trên đây Ocany đã mang đến cho bạn 20 bài tập yoga giảm mỡ bụng cho người mới. Bạn có thể lên kế hoạch và tập luyện hàng ngày để nhanh chóng “tạm biệt” bạn mỡ. Không chỉ vậy đừng quên kết hợp với một chế độ ăn khoa học, ngủ nghỉ điều độ, hạn chế căng thẳng để đạt hiệu quả giảm cân, giảm mỡ nhanh chóng.
Tôi là Mạnh Di, một cựu sinh viên của Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP.HCM. Tôi đã dành nhiều năm để tập luyện và hoạt động trong lĩnh vực Gym và Fitness. Hiện tại, với vai trò là một Personal Trainer, tôi không chỉ huấn luyện cá nhân mà còn chia sẽ kiến thức về lĩnh vực này cho cộng đồng rộng lớn. Hy vọng rằng những kiến thức và kinh nghiệm của mình, tôi có thể giúp mọi người hiểu rõ hơn về Gym, Fitness và phong cách sống lành mạnh.