Dưa leo không chỉ là một thực phẩm ngon mà còn có nhiều tác dụng tích cực đối với sức khỏe. Loại thực phẩm này thường được sử dụng để bổ sung vào bữa ăn hàng ngày hoặc làm nước ép bổ sung giúp thanh lọc cơ thể. Nước ép dưa leo mang lại rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe và làn da. Hãy cùng Ocany điểm qua các công thức thức làm nước ép dưa leo đơn giản, thanh mát dưới đây!
Công dụng tuyệt vời của nước ép dưa leo
Dưa leo là một loại thực phẩm được sử dụng rộng rãi như một loại rau và một loại trái cây. Nước ép dưa leo không chỉ giúp giải khát, làm mát cơ thể mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Dưới đây là những công dụng tuyệt vời của dưa leo mà bạn không nên bỏ qua:
Giúp giảm cân hiệu quả
Dưa leo chứa khoảng 90% nước và cung cấp cho sức khỏe hàng loạt những dưỡng chất có lợi cho cơ thể. Trong thành phần của nó, bạn có thể tìm thấy nhiều dưỡng chất quan trọng, bao gồm vitamin C, chất xơ, vitamin B1, vitamin B2, vitamin B6, axit folic, canxi, sắt, magiê, phốt pho, kali, kẽm, và nhiều dưỡng chất tự nhiên khác. Thường xuyên bổ sung dưa leo hàng ngày là cách đơn giản và hiệu quả nhất để bổ sung các vitamin và chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể của bạn. Hơn nữa, với hàm lượng nước cao, đây là loại trái cây có tiềm năng giúp phụ nữ giảm cân hiệu quả.
Phòng bệnh ung thư
Ba hợp chất lignan – lariciresinol, pinoresinol và secoisolariciresinol, được tìm thấy trong nước ép dưa leo, có khả năng hỗ trợ trong việc ngăn ngừa các loại ung thư như ung thư vú, tử cung, buồng trứng và tuyến tiền liệt.
Điều hoà huyết áp
Dưa leo cung cấp một lượng lớn khoáng chất kali và magie. Những người có huyết áp thấp có thể bổ sung nước ép dưa leo bằng cách thêm một chút đường và muối. Để hỗ trợ sức khỏe những người có huyết áp cao nên uống nước ép dưa leo nguyên chất. Kali có trong dưa leo có khả năng cung cấp chất điện phân, giúp điều chỉnh lượng natri trong thận và hỗ trợ trong việc kiểm soát tình trạng tăng huyết áp.
Có lợi cho sức khỏe răng miệng
Việc thường xuyên bổ sung dưa leo hàng ngày có tác dụng bảo vệ và cải thiện sức khỏe của răng miệng. Có được công dụng này là vì dưa leo chứa nhiều nước và chất xơ, giúp duy trì nướu răng khỏe mạnh và làm cho răng trở nên sáng hơn. Hơn nữa, các hợp chất thực vật (phytochemicals) có trong dưa leo còn giúp loại bỏ hiệu quả các vi khuẩn gây hôi miệng.
Tốt cho hệ tiêu hóa
Hàm lượng nước và chất xơ dồi dào kết hợp với hương vị ngọt mát của nước ép dưa leo có khả năng giúp giảm triệu chứng táo bón, khó tiêu, ợ chua, ợ nóng, đầy hơi và đau dạ dày một cách hiệu quả. Thường xuyên tiêu thụ dưa leo hoặc uống nước ép dưa leo sẽ giúp bạn cảm nhận rõ rệt tác dụng này.
Cung cấp chất chống oxy hóa
Một ly nước ép dưa leo có chứa một lượng lớn vitamin C, mangan, beta carotene, molipden và các chất chống oxy hóa flavonoid. Những thành phần này có khả năng ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình hình thành các gốc tự do trong cơ thể.
Tốt cho xương khớp
Các hoạt chất purin có trong mỗi ly nước ép dưa leo có thể giúp giảm cơn đau do bệnh gout gây ra. Ngoài ra, silica có trong dưa leo cũng là một oxit silic quan trọng, hỗ trợ trong việc tạo collagen và hấp thụ canxi cho hệ xương và khớp.
Uống nước dưa leo hàng ngày có tốt không?
Nước ép dưa leo là một lựa chọn tuyệt vời để giải nhiệt trong mùa hè, có hương vị thanh mát, dễ uống và có thể thường xuyên sử dụng hàng ngày. Thời điểm lý tưởng để thưởng thức nước ép này là ngay sau khi ép, vào buổi sáng và sau khi tập thể dục.
Nếu bạn đang muốn giảm cân, hãy thử uống một ly nước ép dưa leo kết hợp với cần tây, gừng, chanh và mật ong, khoảng 30 phút trước khi đi ngủ. Đây là một công thức hoàn hảo cho việc giảm cân hiệu quả, thấy rõ kết quả sau khoảng 3 tháng.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bạn cần “lắng nghe” cơ thể của mình để xác định thời điểm thích hợp để uống nước ép dưa leo. Trước khi bắt đầu sử dụng một cách đều đặn, hãy xem xét các tác dụng phụ có thể xảy ra do việc tiêu thụ nước ép dưa leo, chẳng hạn như:
- Các chất độc tố có thể tạo ra vị đắng cho dưa leo, bao gồm cucurbitacins và triterpenoids, hai hoạt chất này có thể gây hại nếu tiêu thụ quá mức. Cucurbitacin trong nước ép dưa leo có thể dẫn đến tình trạng đầy bụng và khó tiêu. Nếu cơ thể dung nạp một lượng lớn cucurbitin trong hạt dưa chuột, có thể gây kích thích và dẫn đến tiểu nhiều, điều này có thể dẫn đến mất nước và giảm điện phân.
- Nước ép dưa leo chứa nhiều kali, và việc tiêu thụ quá mức có thể dẫn đến tăng kali trong máu. Tình trạng này có thể gây suy giảm chức năng thận, cảm giác đầy bụng, khó chịu hoặc đau bụng.
- Việc tiêu thụ quá nhiều nước ép dưa leo có thể làm tình trạng của những người đang mắc các bệnh hô hấp trở nên nghiêm trọng hơn.
Khi nói về việc uống nước ép dưa leo hàng ngày có tốt không, các chuyên gia dinh dưỡng thường lưu ý vào việc dưa leo chứa hàm lượng vitamin C và acid caffeic khá cao. Uống quá nhiều nước ép dưa leo có thể dẫn đến tình trạng thừa vitamin C. Một lượng vitamin C vừa đủ có thể giúp chống lại gốc tự do, nhưng nếu có quá nhiều, nó có thể gây tác động ngược – làm cho các gốc tự do “lang thang” trong cơ thể và dẫn đến lão hóa sớm.
Trường hợp không nên uống nước ép dưa leo
Các chuyên gia y tế cũng đưa ra một số tình huống mà không nên tiêu thụ nước ép dưa leo hàng ngày, bao gồm:
- Dưa leo là thực phẩm tươi ngon, thường được tiêu thụ trong lúc còn tươi mà không cần đun nấu. Tuy nhiên, trong quá trình trồng dưa leo, người ta thường sử dụng các loại thuốc hóa học để kích thích tăng trưởng và bảo vệ cây khỏi sâu bệnh. Nếu bạn không chắc chắn về nguồn gốc và chất lượng của dưa leo, và không thể đảm bảo tính an toàn của thực phẩm, thì tốt nhất là tránh uống nước ép dưa leo.
- Những người thường xuyên gặp tình trạng đầy bụng, khó tiêu, hoặc rối loạn chức năng tiêu hóa nên xem xét việc thường xuyên tiêu thụ nước ép dưa leo hàng ngày.
- Những người đang có tình trạng thừa kali hoặc vitamin C nên hạn chế việc tiêu thụ lượng lớn nước ép dưa leo.
- Phụ nữ mang thai nên hạn chế việc tiêu thụ lượng lớn nước ép dưa leo.
- Người mắc các bệnh về hệ hô hấp, đặc biệt là bệnh xoang, nên hạn chế việc tiêu thụ nước ép dưa leo hàng ngày.
- Những người đang sử dụng các loại thuốc đặc trị có thành phần có thể tương tác với các chất có trong nước ép dưa leo. Ví dụ, một số loại thuốc đặc trị có tác dụng làm loãng máu,…
- Người mắc bệnh thận, nếu tiêu thụ nhiều nước ép dưa leo, sẽ tiếp nhận lượng kali lớn, gây ảnh hưởng đến hoạt động của thận.
Lưu ý khi uống nước ép dưa leo
Ngoài những lợi ích cho cơ thể, việc tiêu thụ nước ép dưa leo cũng có thể gây ra một số tác động tiêu cực mà bạn cần quan tâm, bao gồm:
- Trước hết, dưa leo chứa nhiều nước và chất xơ, giúp giảm cân hiệu quả. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng sử dụng quá nhiều có thể dẫn đến mất nước và mất cân bằng trong cơ thể.
- Thứ hai, chất cucurbitacin trong dưa leo khá khó tiêu và có thể gây khó khăn đối với những người có hệ tiêu hóa yếu. Tình trạng khó tiêu này có thể dẫn đến cảm giác đầy hơi và sưng phù do cơ thể phải cố gắng loại bỏ độc tố bằng cách đẩy lượng khí gas tích tụ ra ngoài.
- Khả năng làm mát và thanh nhiệt từ dưa leo mặc dù có lợi ích sức khỏe nhất định, nhưng có thể làm cho các triệu chứng của bệnh hô hấp trở nên nghiêm trọng hơn. Đối với những người đang mắc các vấn đề như viêm xoang, việc giảm bớt hoặc hạn chế loại thực phẩm này trong chế độ ăn hàng ngày là một biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe.
Cách làm nước ép dưa leo dễ uống
Nếu bạn đang muốn khám phá những công thức nước ép tuyệt vời để giải nhiệt và thanh lọc cơ thể, đừng ngần ngại khám phá các công thức nước ép dưa leo thanh mát mà Ocany sẽ giới thiệu sau đây. Hãy chuẩn bị nguyên liệu và bắt tay vào thực hiện ngay hôm nay!
Nước ép dưa leo mật ong
Nguyên liệu:
- Dưa chuột: 500 gram
- Mật ong: 1 thìa
- Chanh: 1/2 trái
Tiến hành:
- Bạn hãy rửa sạch dưa chuột và ngâm trong nước muối loãng khoảng 30 phút. Sau khi vớt ra, để cho dưa chuột ráo nước. Tiếp theo, gọt vỏ và cắt bỏ hai đầu của dưa chuột rồi cắt thành miếng.
- Bỏ dưa leo vào máy xay sinh tố và xay nhuyễn. Sau khi xay, hãy lọc hỗn hợp qua rây để lấy nước cốt.
- Đổ nước ép dưa leo đã được lọc qua rây vào ly. Tiếp theo, thêm nước cốt chanh và 1 thìa mật ong vào, kèm theo một chút đường rồi khuấy cho đến khi tan hoàn toàn.
Bây giờ, bạn đã hoàn thành ly nước ép dưa leo kết hợp với mật ong. Khi muốn thưởng thức, bạn chỉ cần để nước ép vào tủ lạnh cho mát hoặc thêm vài viên đá để làm tăng thêm hương vị trước khi thưởng thức.
Nước ép dưa leo cà rốt
Nguyên liệu cần có:
- Dưa leo: 3 quả
- Cà rốt: 3 củ
- Rau mùi: 50 gram
- Gừng: 1/3 quả
- Bột nghệ: 1/2 muỗng cà phê
- Nước cốt chanh: 1/2 muỗng cà phê
Tiến hành thực hiện:
- Để làm nước ép dưa leo, bạn cần rửa sạch dưa leo và cắt bỏ hai đầu của nó. Sau đó, cắt dưa leo làm đôi theo chiều ngang. Với cà rốt, bạn cũng cần gọt bỏ vỏ và rửa sạch, sau đó cắt cà rốt làm hai hoặc bốn phần sao cho vừa với miệng máy ép.
- Tiếp đó cạo sạch vỏ gừng và cắt thành những lát mỏng. Rau mùi bỏ rễ và lá úa, sau đó rửa sạch.
- Để ép lấy nước từ dưa leo, cà rốt, rau mùi và gừng, hãy cho chúng lần lượt vào máy ép.
- Tiếp theo, chuẩn bị một chiếc cốc. Cho 1/2 thìa cà phê bột nghệ và 1/2 thìa cà phê nước cốt chanh vào cốc, sau đó từ từ đổ nước ép vào. Khuấy đều và thưởng thức!
Nước ép dưa leo cà rốt nổi bật với màu xanh mát mắt, chứa nhiều vitamin và dưỡng chất.
Khi thưởng thức, bạn sẽ thấy vị ngọt nhẹ, chua dịu, và một chút cay nhẹ, cùng với hương thơm mát của cà rốt, dưa leo, rau mùi và gừng hòa quyện tuyệt vời, mang đến một loại nước ép hấp dẫn và dễ uống.
Nước ép dưa leo cà chua
Nguyên liệu chuẩn bị:
- 2 quả cà chua
- 2 quả dưa leo
- Một ít muối.
Cách làm:
- Bạn hãy ngâm cà chua và dưa leo trong nước muối, sau đó rửa sạch. Tiếp theo, cắt bỏ phần cuống của cà chua và cắt chúng thành hình múi cau, còn dưa leo thì cắt thành từng đoạn nhỏ theo chiều dọc.
- Sau đó, bạn hãy ép cà chua trước bằng máy ép và đổ nước ép vào một ly riêng. Kế đến, làm tương tự với dưa leo, ép để lấy nước cốt.
- Cuối cùng, hãy rót phần nước ép cà chua vào nước ép dưa leo, khuấy đều và đổ ra ly. Bây giờ bạn có thể thưởng thức nước ép ngay.
Nước ép dưa leo cà chua có màu cam nhẹ, bắt mắt và ngon miệng với hương vị chua ngọt, mát lành, đảm bảo sẽ làm dịu cơ thể bạn ngay từ ngụm đầu tiên.
Nước ép dưa leo lê
Nguyên liệu chuẩn bị:
- Dưa leo: 2 trái
- Lê: 2 trái
- Đường: 1 thìa canh đường
- Đá viên: một lượng nhỏ
Thực hiện:
- Sau khi mua dưa leo, bạn hãy rửa sạch chúng với nước, có thể gọt bớt vỏ và cắt thành từng khúc nhỏ theo chiều dọc.
- Lê sau khi rửa sạch, bạn hãy gọt vỏ và cắt thành miếng nhỏ vừa vặn để phù hợp với miệng máy ép.
- Bạn hãy cho dưa leo và lê đã được cắt sẵn vào máy ép, ép lấy nước và đổ ra ly, phần bã thì lược bỏ.
- Cho 1 thìa canh đường vào nước ép, khuấy cho đến khi hỗn hợp tan đều. Sau đó, thêm vào một vài viên đá lạnh và nước ép sẽ sẵn sàng để thưởng thức.
Ly nước ép dưa leo lê với màu xanh mát mắt, mang hương vị ngọt thanh đặc trưng của dưa leo và lê, kết hợp cùng hương thơm nhẹ nhàng tạo nên một trải nghiệm hương vị thú vị và bất ngờ. Hãy nhanh tay chuẩn bị và thưởng thức ngay nhé!
Lời khuyên: Để đảm bảo an toàn, bạn nên ngâm dưa leo và lê trong nước muối loãng khoảng 30 phút trước khi sơ chế. Sau đó, bạn có thể tiếp tục gọt vỏ và chế biến như bình thường!
Nước ép dưa leo cần tây
Nguyên liệu:
- Dưa leo: 1 trái
- Cần tây: 50 gram
- Mật ong: 2 thìa
- Nước: 100 ml
Cách làm:
- Sau khi mua dưa leo, bạn hãy rửa sạch chúng và ngâm trong nước muối khoảng 15 phút. Sau đó, cắt chúng thành miếng nhỏ. Với cần tây, bạn cũng rửa sạch, loại bỏ lá và sau đó cắt thành từng đoạn nhỏ.
- Khi các nguyên liệu đã được chuẩn bị, hãy cho dưa leo và cần tây vào máy xay, thêm nước và 2 muỗng mật ong để xay nhuyễn. Sau khi hỗn hợp xay xong, lọc chúng qua rây và sau đó cho vào tủ lạnh để bảo quản dùng dần.
Khi thưởng thức, bạn có thể thêm một ít nước đường vào và khuấy đều. Nếu thích, cũng có thể thêm vài viên đá để làm tăng thêm hương vị cho thức uống!
Nước ép dưa leo bạc hà
Nguyên liệu:
- Dưa leo: 1 trái
- Lá bạc hà: 10 gram
- Chanh vàng: 1 trái
- Đường: 20 gram
Tiến hành:
- Rửa sạch chanh, sau đó cắt đôi và vắt lấy nước cốt. Lá bạc hà cũng rửa sạch và để cho ráo nước.
- Dưa leo sau khi rửa sạch bùn đất bên ngoài, hãy dùng dao cắt thành từng khúc nhỏ.
- Đổ nước cốt chanh, dưa leo và lá bạc hà vào máy xay sinh tố, thêm nước đến khoảng 3/4 dung tích của máy xay, sau đó đậy nắp và xay cho đến khi hỗn hợp nhuyễn đều.
- Lọc nước ép qua rây để tách bỏ phần bã. Sau đó, rót nước ép vào ly, thêm vào 20 gram đường và khuấy cho đến khi tan đều. Bạn có thể thêm đá vào ly hoặc để nước ép trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 1 giờ trước khi thưởng thức!
Ly nước ép dưa leo và bạc hà thơm mát sẽ mang đến cho bạn cảm giác giải khát ngay lập tức. Hương thơm dịu nhẹ, thoang thoảng của bạc hà vẫn lưu lại trên đầu lưỡi, tạo nên một hương vị mới lạ và ngon đến không ngờ.
Nước dưa leo nha đam
Nguyên liệu:
- Dưa leo: 1 trái
- Nha đam: 20 gram (khoảng 2 nhánh nhỏ)
- Chanh: 1 trái
- Đường: 4 thìa canh
Thực hiện:
- Rửa sạch dưa leo và cắt thành lát mỏng. Chanh cắt đôi và vắt để lấy nước cốt.
- Sau khi mua nha đam, bạn hãy gọt bỏ lớp vỏ xanh bên ngoài, rửa sạch và sau đó cắt thành hạt lựu.
- Cho nha đam đã cắt hạt lựu vào nồi, thêm 4 muỗng canh đường và khuấy đều. Sau đó, đổ thêm nước vào và trộn đều hỗn hợp trên lửa vừa. Chỉ cần đảo nhẹ một lát là có thể tắt bếp. Để nha đam trong ngăn đá của tủ lạnh khoảng 10 phút sẽ giúp chúng trở nên giòn và ngon hơn.
- Cho dưa leo vào máy xay sinh tố, xay cho đến khi nhuyễn và sau đó lọc lấy phần nước.
- Cho nước cốt chanh kết hợp với nước ép dưa leo, thử nếm để kiểm tra xem đã đạt được khẩu vị mong muốn chưa và điều chỉnh nếu cần thiết.
- Hãy tạo một thức uống mát lạnh bắt mắt bằng cách đổ vào ly một lớp nha đam ở đáy, sau đó là lớp hỗn hợp nước chanh và dưa leo thơm ngon. Kết thúc bằng việc nhẹ nhàng đổ thêm phần nước nha đam còn lại.
Nước ép dưa leo và nha đam là sự kết hợp hoàn hảo giữa vị ngọt mát của dưa leo và nha đam cùng hương chua nhẹ nhàng từ chanh. Đây là một loại thức uống tuyệt vời để làm dịu bớt cái nóng của mùa hè.
Gợi ý: Đối với những ai chưa quen với hương vị của dưa leo, hãy thử sử dụng dưa leo non và bỏ ruột trước khi xay. Cách này sẽ làm cho nước ép có vị ngọt nhẹ, dễ chịu và dễ uống hơn đấy!
Mẹo sơ chế nha đam không bị nhớt, đắng:
- Cách 1: Hãy gọt vỏ nha đam và đặt vào thau nước đã pha 1 muỗng canh muối hạt hoặc nước cốt của 1/2 quả chanh, khuấy đều. Ngâm nha đam trong hỗn hợp này khoảng 1 tiếng. Sau đó, vớt ra, rửa sạch và để cho ráo nước.
- Cách 2: Bạn hãy gọt sạch vỏ nha đam, cắt thành hạt lựu. Tiếp đó, nhẹ nhàng bóp chúng với một ít muối hạt. Sau đó, cho nha đam vào nước sôi để chần sơ, rồi vớt ra và xả ngay với nước lạnh.
Khi sử dụng đúng cách, nước ép dưa leo có thể trở thành một loại đồ uống tuyệt vời để tăng cường sức đề kháng, thanh lọc và giải độc, mang lại lợi ích lớn cho sức khỏe. Tuy nhiên, cần chú ý sử dụng phù hợp với từng đối tượng và đúng liều lượng để tránh những tác dụng phụ không mong muốn. Bên cạnh việc bổ sung nước ép dưa leo, bạn cũng cần bổ sung từ 2-3 lít nước Ocany mỗi ngày để duy trì một thể trạng khỏe mạnh và một tinh thần sảng khoái.
Xem thêm:
- Nước ép bí đao có tác dụng gì? 6 cách làm nước ép dễ uống
- Tác dụng nước ép củ dền và 11 cách làm đơn giản, dễ uống
- Nước ép kiwi: Lợi ích và 10 cách làm nước ép ngon, bổ dưỡng
Xin chào, tôi là Ngọc, biên tập viên nội dung tại Ocany Việt Nam. Mục tiêu hàng đầu của tôi là đảm bảo bạn nhận được thông tin đầy đủ và chính xác về nước ion kiềm Ocany, cùng với các thông tin về ẩm thực, dinh dưỡng giúp bạn đưa ra quyết định mua sắm thông minh và tốt cho sức khỏe. Nếu bạn còn thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm, đừng ngần ngại để lại bình luận phía dưới bài viết này. Tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!